TIỀN MÃN KINH – LÀM CÁCH NÀO GIẢM BỚT TRIỆU CHỨNG

Là phụ nữ chắc hẵn ai cũng sẽ một lần lo sợ khi bắt đầu xuất hiện triệu chứng của tiền mãn kinh. Tiền mãn kinh là một giai đoạn mà mọi phụ nữ đều phải trải qua trong cuộc đời. Cơ thể phụ nữ lúc này sẽ xuất hiện rất nhiều sự thay đổi về cả sức khỏe và sinh lý, gây nên những triệu chứng khó chịu ảnh hưởng đáng kể đến cuộc sống.

1. Các triệu chứng thường gặp

Phụ nữ có thể phát hiện được mình đã bước vào giai đoạn tiền mãn kinh nhờ vào các triệu chứng như:

  • Rối loạn kinh nguyệt: Việc kinh nguyệt không đều là biểu hiện dễ nhận thấy nhất trong giai đoạn này khi kỳ kinh đến sớm hoặc muộn, số ngày hành kinh không đều nhau và lượng máu kinh cũng có sự khác biệt, thậm chí là mất kinh trong thời gian dài.
  • Bốc hỏa: những cơn nóng thất thường, tim đập nhanh, vã mồ hôi về đêm và cảm giác ớn lạnh khi cơn qua đi.
  • Mất ngủ: thường xuyên ngủ không ngon giấc, mê sảng do nội tiết bị xáo trộn và hậu quả của các cơn bốc hỏa.
  • Tâm trạng thất thường: dễ lo lắng, hồi hộp, buồn chán hay nổi giận vô cớ, thậm chí stress kéo dài và có thể dẫn tới trầm cảm.
  • Đau đầu chóng mặt: biểu hiện hoa mắt, chóng mặt dẫn tới mất thăng bằng khi đang đi, ù tai, buồn nôn, mệt mỏi.
  • Âm đạo mỏng khô: Do sự thay đổi nội tiết mà thành âm đạo của phụ nữ trở nên mỏng, khô và dễ bị nhiễm khuẩn, tổn thương khi quan hệ. Mô âm đạo và niệu đạo mất tính đàn hồi do thay đổi của nội tiết tố nữ gây tiểu không tự chủ khi ho hoặc cười, âm hộ teo cản trở việc đạt cực khoái dẫn tới suy giảm ham muốn tình dục.
  • Sức khỏe suy giảm: Việc thay đổi nội tiết tố cũng khiến xương khớp thoái hóa nhanh hơn, làm tăng nguy cơ loãng xương, giảm sự dẻo dai. Ngoài ra, sự thay đổi nồng độ cholesterol máu cũng khiến nguy cơ mắc bệnh tim mạch, huyết áp gia tăng.

2. Làm thế nào để giảm triệu chứng tiền mãn kinh?

Có chế độ dinh dưỡng hợp lý:

  • Bổ sung canxi: Lượng canxi cần thiết cho phụ nữ từ tuổi 51 là 1200mg/ ngày; có thể đến từ sữa, cá có xương, bông cải xanh hoặc các loại đậu.
  • Bổ sung sắt: Phụ nữ cũng cần ăn ít nhất 3 phần thực phẩm giàu sắt mỗi ngày nhằm đảm bảo lượng sắt cho cơ thể (8mg/ ngày), các thực phẩm đó có thể là thịt nạc đỏ, thịt gia cầm, cá, trứng, rau lá xanh, hạt, ngũ cốc.
  • Bổ sung chất xơ: Mỗi ngày phụ nữ nên ăn 1,5 chén trái cây và 2 chén rau tương đương với khoảng 21g chất xơ để đảm bảo đủ lượng chất xơ cho cơ thể.
Young and happy woman eating healthy salad sitting on the table with green fresh ingredients indoors
  • Uống nhiều nước: Bổ sung nước thường xuyên cho cơ thể giúp đảm bảo các bộ phận; đặc biệt là tiêu hóa, bài tiết hoạt động thông suốt.
  • Nên ăn các thực phẩm chứa isoflavone (estrogen thực vật) như đậu nành, giúp giảm các triệu chứng tiền mãn kinh, mãn kinh, giảm cholesterol và giảm bớt các cơn bốc hỏa, đổ mồ hôi về đêm.
  • Ngoài ra, bạn cũng nên giảm các loại thực phẩm giàu chất béo có thể làm tăng cholesterol và các nguy cơ tim mạch, sử dụng chừng mực đường và muối, hạn chế uống rượu.

Có lối sống điều độ:

  • Chị em trong giai đoạn tiền mãn kinh nên lập kế hoạch làm việc, nghỉ ngơi hợp lý để đạt sự cân bằng trong trạng thể cơ thể, sống vui vẻ, lạc quan.
  • Các hoạt động rèn luyện thể dục thể thao như đi bộ, bơi lội, thiền, yoga có thể giúp giảm stress nhanh chóng và góp phần điều hòa tâm trạng ổn định và nâng cao chất lượng giấc ngủ.
  • Việc ngủ đủ giấc cũng giúp giảm triệu chứng tiền mãn kinh hiệu quả.

Khám sàng lọc ung thư cổ tử cung:

Trong xét nghiệm tế bào cổ tử cung, bác sĩ sẽ lấy một số tế bào khỏi cổ tử cung của bạn và gửi đến phòng thí nghiệm để phân tích. Bạn nên đi xét nghiệm lần đầu tiên vào lúc 20-21 tuổi và tái khám mỗi 3 năm một lần.

Nếu bạn 30 tuổi trở lên, bạn cũng nên xét nghiệm HPV ít nhất mỗi 5 năm. Xét nghiệm HPV là một xét nghiệm tầm soát ung thư cổ tử cung, áp dụng cho phụ nữ từ 30 tuổi trở lên. Tuy nhiên, xét nghiệm này không cho bạn biết liệu mình có mắc ung thư hay không. Thay vào đó, xét nghiệm HPV sẽ giúp phát hiện virus gây ra bệnh ung thư cổ tử cung.

Uống thuốc giảm triệu chứng mãn kinh:

Dựa vào các triệu chứng và tiền sử sức khỏe của bạn, bác sĩ có thể kê toa thuốc chứa hoặc không chứa nội tiết tố phù hợp với bạn, giúp bạn đối phó với các triệu chứng mãn kinh.

Cách phòng ngừa những triệu chứng mãn kinh sẽ giúp bạn ngăn chặn được những thay đổi có thể tác động đến bản thân và có cuộc sống vui khỏe hơn. Hãy xua tan đi những sự mệt mỏi để luôn tràn đầy năng lượng và sức sống nhé.