Phẫu thuật tăng chiều cao là một hình thức khá phổ biến với nhiều bạn trẻ hiện nay. Bởi vì chiều cao con người đang ngày càng được chú trọng. Nhưng hình thức phẫu thuật thẩm mỹ này thực hiện thế nào và sẽ ở chi phí tầm bao nhiêu thì có lẽ bạn chưa nắm rõ. Vậy cùng theo dõi bài viết này nhé!
1. Phẫu thuật kéo dài chân là gì?
Phẫu thuật tăng chiều cao thực chất là một phương pháp phẫu thuật kéo dài chân. Thực hiện bằng cách cắt rời xương nhưng không ảnh hưởng đến màng xương. Bác sĩ sẽ sử dụng đinh cố định để kéo dài từng chút một.
Sau một thời gian, màng xương và tủy xương sẽ tạo ra xương. Lúc này canxi lắng đọng tại khoảng cách vết cắt và tạo nên xương mới.
2. Tối đa kéo được bao nhiêu cm?
Phẫu thuật kéo dài chân có thể thực hiện ở phần cẳng chân và đùi. Cẳng chân có thể kéo dài được 8 đến 8,5cm. Sau khi đã hoàn thành xong quá trình kéo dài ở cẳng chân, nếu bệnh nhân có nhu cầu cao thêm thì có thể tiếp tục kéo dài ở đùi. Tối đa cho việc kéo dài ở đùi sẽ là 8cm.
Tuy nhiên, kéo dài càng nhiều thì nguy cơ gặp biến chứng sẽ càng cao. Vì thế, bác sĩ thường tư vấn cho bệnh nhân nên kéo dài từ 6 – 10cm để cân xứng với cơ thể và cũng hạn chế rủi ro.
3. Các bước thực hiện có phức tạp không?
3.1. Chuẩn bị
Trước khi quyết định mổ, bác sĩ sẽ thăm khám lâm sàng để tìm hiểu về tiền sử bệnh. Trong đó bao gồm: sự phát triển về thể chất, tầm vóc lúc thiếu niên, thời điểm dậy thì, tiền sử hormone, tình trạng ốm đau lúc nhỏ, di truyền…
Bệnh nhân cũng sẽ được bác sĩ tư vấn và giải thích rõ quy trình phẫu thuật. Cũng như thời gian nằm viện, quá trình điều trị trong và sau khi đã ra viện. Bên cạnh đó thời gian điều trị, dự kiến tai biến, biến chứng có khả năng xảy ra. Bệnh nhân cũng phải hiểu rõ và chuẩn bị tinh thần kể cả quá trình tập luyện phục hồi chức năng sau mổ.
3.2. Tiến hành phẫu thuật chân tăng chiều cao
* Đóng đinh
Bác sĩ sẽ rạch da dài khoảng 1,5 đến 2 cm dọc mặt trước của gân bánh chè. Sau đó dùng dùi 1 lỗ vào trong ống tủy và khoan ống tủy. Sau đó đóng một đinh có chiều dài ngắn hơn chiều dài xương chày tầm khoảng 4 – 6 cm vào trong ống tủy xương chày. Tiếp đến, bác sĩ sẽ rạch da 1cm ở mặt trong đầu trên cẳng chân. Nơi này dùng để lắp dụng cụ định vị và bắt 2 vít chốt ở đầu trung tâm.
* Lắp đặt khung cố định
- Sau khi đóng đinh vào xương chày, vòng cung phía trên được liên kết với 2 đinh Kirschner 2,0 mm. Đinh này xuyên chéo nhau ở phần sau đầu trên xương chày. Nơi này cách khe khớp gối 2cm, trên đầu nội tủy khoảng 2 đến 3 mm.
- Vòng cung phía dưới liên kết với 2 đinh Kirschner có đường kính 2,0 mm. Nó được xuyên chéo nhau ở đầu dưới xương chày phía trên khe khớp 2cm và cũng nằm phía dưới đinh nội tủy. Các đinh Kirschner sẽ được căng bằng dụng cụ căng đinh của Ilizarov.
- Hai vòng khung trên và dưới được liên kết với nhau bằng 3 thanh liên kết có phần ren ngược chiều. Khi vặn, đẩu cho 2 vòng cung này đặt xa dần nhau để kéo giãn xương.
* Cắt xương
Cắt xương mác
Xác định vị trí cắt xương mác ở vị trí 1/3G -1/3D xương mác, cách vị trí mắt cá ngoài khoảng 10 cm.
Cắt xương chày
Xác định nơi cắt xương chày, rạch da dài 2,5 – 3 cm ở dọc phía ngoài mào chày. Nó cũng cách mào chày 0,5 cm, ở dưới lồi củ trước xương chày 4 – 5 cm. Nằm dưới vị trí vít chốt trung tâm thứ hai từ trên xuống 2,5 đến 3 cm. Dùng đục đục đứt phần mào chày. Sau đó dùng đục có cựa đục đứt thành xương cứng ở bên phía trước ngoài, trước trong, sau trong, sau ngoài. Điểm cuối cùng là thành sau của xương chày.
4. Phẫu thuật tăng chiều cao chi phí bao nhiêu?
Hiện tại, ở Việt Nam cũng đã có những bệnh viện nhận phẫu thuật mổ kéo dài chân. Chi phí phẫu thuật kéo dài chân bao gồm cả phí khám và xét nghiệm trước mổ. Trong đó gồm phí phòng mổ, phí thuốc và vật tư phẫu thuật, dụng cụ cố định xương và cuối cùng là tiền công cho người phẫu thuật.
Ngoài ra hậu phẫu người bệnh còn phải chi trả thêm tiền phòng, tiền thuốc theo toa. Bên cạnh đó cả phí vận chuyển, khám bệnh, chụp phim cho những khi tái khám sau mổ. Hiện tại tổng chi phí phẫu thuật tăng chiều cao ở Việt Nam dao động từ 80 đến 100 triệu đồng tùy theo từng bệnh viện.